Đất đai là một loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Chủ thể sử dụng đất theo quy định gồm những thành phần nào?
Theo quy định tại Điều 5, Luật Đất đai năm 2013:
Chủ thể sử dụng đất là Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này. Bao gồm:
1. Tổ chức trong nước:
Gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức).
2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân).
3. Cộng đồng dân cư:
Cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ.
4. Cơ sở tôn giáo:
Gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo.
5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao:
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ.
6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài:
(Theo quy định của pháp luật về quốc tịch).
7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Trên thực tế giao dịch về quyền sử dụng đất, chúng ta thường hay gặp nhất là 2 nhóm chủ thể: Tổ chức kinh tế và hộ gia đình, cá nhân.
Để đảm bảo quyền của người sử dụng đất, Nhà nước sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Kể từ ngày 10/12/2009, theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận mang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cũng theo nghị định trên, các loại giấy chứng nhận cũ như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sử hữu công trình vẫn có giá trị pháp lý và được cấp đổi sang giấy chứng nhận mới khi người sử dụng đất có nhu cầu. Và các trường hợp cấp đổi sẽ được miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận.
Định nghĩa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành tại Khoản 16, Điều 3, Luật Đất đai 2013, thì:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Nắm bắt được những quy định nêu trên sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các loại chủ thể sử dụng đất, giấy tờ pháp lý để đảm bảo quyền của người sử dụng đất trong các giao dịch liên quan.