Hiện nay, đã có không ít hộ gia đình sử dụng đất lâu dài nhưng chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đang trong thời gian chờ cấp giấy chứng nhận theo kế hoạch của địa phương. Thay vì chờ đợi, tại sao bà con không chủ động thực hiện? Khi tiến hành thủ tục làm sổ đỏ sớm, chúng ta sẽ có được rất nhiều lợi ích.

Vì sao người dân nên làm sổ đỏ trước năm 2025, chúng tôi nêu ra 4 lý do chính như sau:

✔️ Bảng giá đất sẽ tiếp tục tăng từ năm 2025 trở đi

✔️ Các khu đất chưa có sổ đỏ khi vướng vào quy hoạch thì người dân sẽ được đền bù rất thấp so với những khu đất có sổ đỏ

✔️ Thời gian làm sổ đỏ thực tế kéo dài hơn so với quy định

✔️ Sổ đỏ là yếu tố pháp lý quan trọng nhất để khẳng định giá trị bất động sản.

Người dân nên làm sổ đỏ trước năm 2025
Người dân nên làm sổ đỏ trước năm 2025

Hãy cùng Bất Động Sản Hà Đắk Nông tìm hiểu từng lý do Vì sao người dân nên làm sổ đỏ trước năm 2025 nhé!

1. Bảng giá đất sẽ tiếp tục tăng từ năm 2025 trở đi

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 114 Luật Đất đai năm 2013 “Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp”.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vào nhiều địa phương khác đang áp dụng Bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024. Và hết năm 2024, các địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới áp dụng cho giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 so với giai đoạn 2015-2019 đã có sự điều chỉnh tăng nhiều về giá. Nên trên thực tế, nhiều khách hàng đi giao dịch về quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất không khỏi ngỡ ngàng khi giá đất tăng rất nhiều.

Chúng tôi có thể lấy một số ví dụ so sánh giá đất cùng một vị trí ở 2 giai đoạn biến động như sau:


Có thể thấy, từ ví dụ thực tế nêu trên, giá đất giai đoạn 2020-2024 tùy từng vị trí, khu vực đã tăng từ 20% đến hơn 200% so với giai đoạn 2015 – 2019.

Tại sao bảng giá đất lại ảnh hưởng đến thủ tục làm sổ đỏ của người dân?

Bảng giá đất là căn cứ quan trọng để tính các khoản chi phí mà người dân phải nộp khi làm sổ đỏ. Căn cứ theo Khoản 3, Điều 114, Luật Đất đai 2013:

Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:

Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân;

Tính thuế sử dụng đất;

Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai;

Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai;

Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Do đó, khi bảng giá đất giai đoạn 2025-2029 tăng thì chi phí làm sổ đỏ và các thủ tục hồ sơ, giấy tờ liên quan cũng sẽ tăng theo.

Những khoản chi phí nào phát sinh khi tiến hành thủ tục làm sổ đỏ?

Thứ nhất, tiền sử dụng đất

Khi được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở thì sẽ phải nộp tiền sử dụng đất trong một số trường hợp.

Tiền sử dụng đất tính theo 02 loại giá đất khác nhau:

  • Nếu công nhận diện tích trong hạn mức thì nộp tiền sử dụng đất theo đúng giá đất quy định tại Bảng giá đất.
  • Nếu công nhận phần diện tích vượt hạn mức thì tiền sử dụng đất sẽ được tính theo giá đất cụ thể. Giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định nhưng không được quy định trước. Giá đất cụ thể cao hơn giá đất theo bảng giá đất nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với giá đất thị trường.
Thứ hai, thuế sử dụng đất (nếu có)

Theo thông tư 153/2011/TT-BTC, nếu không thuộc trường hợp được miễn, giảm thì thuế sử dụng đất phải nộp được tính theo công thức như sau:

Thuế phải nộp = Diện tích * Giá của 1m2 đất * Thuế suất

(Giá của 1m2 đất sẽ tính theo bảng giá đất, trong một số trường hợp đặc biệt thì cơ quan thuế sẽ áp dụng thêm hệ số K).

Thứ ba, lệ phí trước bạ

Trường hợp đăng ký cấp sổ đỏ lần đầu thì lệ phí trước bạ sẽ tính bằng 0,5% * Giá đất theo bảng giá đất.

Thứ tư, phí thẩm định

(Áp dụng theo quy định từng địa phương)

Ở Đắk Nông là căn cứ theo 03-2020-NQ-HDND tinh Dak Nong quy dinh ve muc thu phi va le phi của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Đắk Nông.

Như vậy, có thể thấy, thay vì để gần đến năm 2025 mới làm thủ tục cấp sổ đỏ thì người dân nên chuẩn bị và nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ sớm để tránh chi phí tăng lên. Bên cạnh đó, giúp chính mình thuận lợi khi thực hiện các quyền liên quan (chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cho thuê, v.v).

2. Các khu đất chưa có sổ đỏ khi vướng vào quy hoạch thì người dân sẽ được đền bù rất thấp so với những khu đất có sổ đỏ

Đã có không ít trường hợp hộ gia đình sinh sống lâu dài trên một mảnh đất thì bỗng nhiên một ngày bị Nhà nước thu hồi do phần đất đó nằm trong quy hoạch.

Quy hoạch sử dụng đất là việc Nhà nước phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định (Khoản 2, Điều 3, Luật Đất đai 2013).

Khi đất không có sổ đỏ mà nằm trong vùng quy hoạch thì vẫn có thể được bồi thường khi đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 75 Luật Đất Đai 2013. Tuy nhiên, phần đất vượt hạn mức sẽ không được xem xét đền bù khi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Căn cứ theo Điều 77 Luật Đất Đai 2013).

Chính vì vậy, tại sao chúng ta không tiến hành làm sổ đỏ ngay bây giờ, để phòng ngừa rủi ro trong thời gian tới khi mảnh đất nơi mình ở thuộc diện quy hoạch thì sẽ được đền bù với giá trị tốt nhất.

3. Thời gian làm sổ đỏ thực tế kéo dài hơn so với quy định

Căn cứ theo Khoản 40, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu:

  • Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
  • Không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn/đặc biệt khó khăn

Quy định là vậy, nhưng ở một số địa phương, thời gian xem xét cấp “Sổ đổ” thường bị kéo dài, thậm chí lên đến vài năm. Chính vì vậy, trước sau cũng phải làm nên hãy tiến hành ngay bà con nhé!

4. Sổ đỏ là yếu tố pháp lý quan trọng nhất để khẳng định giá trị bất động sản

Quyền sử dụng đất nói riêng, bất động sản nói chung là những tài sản phải đăng ký quyền sử dụng/quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Những tài sản này sau khi đăng ký sẽ được Nhà nước cấp giấy chứng nhận chứng minh quyền sử dụng/quyền sở hữu để sử dụng trong các giao dịch dân sự.

Trong các điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền của người sử dụng đất (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn, thế chấp) theo quy định tại Điều 188 Luật Đất Đai năm 2013 là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ví dụ như trên thực tế, bạn đi mua một mảnh đất, sau khi đi xem đất và ưng ý, chắc chắn việc tiếp theo bạn cần tìm hiểu là tình trạng giấy tờ của mảnh đất đó.

Hay có những khách hàng kỹ tính hơn, họ sẽ hỏi tình trạng pháp lý của mảnh đất trước khi quyết định đi xem để tránh mất thời gian. Nếu bạn mua mảnh đất không có sổ đỏ, giá trị mảnh đất có thể thấp hơn nhưng chắc chắn rủi ro sẽ nằm ở phía bạn. Ttrừ khi bạn có đủ khả năng và mối quan hệ để tự mình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho mảnh đất đó sau khi hai bên “mua bán giấy tay” với nhau.

Trên đây là những phân tích của chúng tôi dựa trên quy định pháp luật và kinh nghiệm thực tế Vì sao người dân nên làm sổ đỏ trước năm 2025, hi vọng là giúp ích được cho bạn khi cần!

Xin được lưu ý, việc sử dụng từ “Sổ đỏ” trong bài viết:

Tùy theo từng giai đoạn điều chỉnh của pháp luật mà việc sử dụng tên gọi giấy chứng nhận sẽ khác nhau. “Sổ đỏ” hay “Bìa đỏ” là cách mà người dân thường sử dụng để gọi “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Sở dĩ gọi là sổ đỏ vì giấy chứng nhận này có phôi bìa màu đỏ.

Cách gọi “Sổ đỏ, Bìa đỏ” thể hiện sự ngắn gọn trong văn nói hàng ngày của bà con.

Vào thời gian này, “Sổ hồng” cũng đã tồn tại và là tên gọi của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” tại đô thị (nội thành, nội thị xã, thị trấn).

Kể từ ngày 10/12/2009, Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực thì Nhà nước thống nhất cấp một Giấy chứng nhận mới theo mẫu chung (có bìa màu hồng cánh sen) với tên gọi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Lưu ý,các loại giấy chứng nhận trước đó vẫn có giá trị pháp lý và không bắt buộc cấp đổi sang mẫu giấy chứng nhận mới này.

Dù đã thay đổi về hình thức nhưng thói quen trong việc gọi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tên “Sổ đỏ” hay “Bìa đỏ” từ nhiều năm qua vẫn không thay đổi. Và theo chúng tôi, thói quen này cũng không ảnh hưởng đến đối tượng/bản chất sự việc mà mình đang đề cập đến.